Thị trường vật liệu xây dựng trở lại "đường đua"


COVID-19 dần lắng xuống cũng đồng thời bước vào "mùa xây dựng" khiến thị trường vật liệu xây dựng nhộn nhịp trở lại và ghi nhận những tín hiệu đáng mừng.

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, lượng xi măng và clinker xuất khẩu trong tháng 8/2020 đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá hơn 148,3 triệu USD, tăng 31,4% về lượng và tăng 24,3% về trị giá so với tháng trước.

Thị trường vật liệu xây dựng đang có những chuyển biến tích cực

Cũng theo báo cáo, lũy kế 8 tháng đầu năm, lượng xi măng xuất khẩu đạt hơn 23,9 triệu tấn, trị giá gần 882 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trọng lượng tiêu thụ xi măng của Việt Nam với 12,6 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm, kế đó là Philippines với gần 4,5 triệu tấn, tiếp theo là Bangladesh với hơn 1,7 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, thị trường xi măng đã có sự chuyển biến tích cực sau khi hoạt động xây dựng được phép hoạt động trở lại, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa đã dần phục hồi. Trong 3 tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ xi măng dự kiến sẽ phục hồi 3% so với cùng kỳ và có thể lên tới 5% trong năm 2021.

Về vật liệu thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng thép các loại bán ra chỉ đạt 10,4 triệu tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo VSA, hồi tháng 6 vừa qua giá thép ghi nhận mức tăng khoảng 200.000 đồng/tấn. Đến nay giá thép tiếp tục tăng 150.000 đồng/tấn và đưa hầu hết các sản phẩm thép vượt 15 triệu đồng/tấn. Theo VSA nguyên nhân bởi giá nguyên liệu thép thế giới tăng liên tục.

Chia sẻ với phóng viên, một số chủ các cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận Đống Đa cho biết kể từ tháng 6, các dự án nhà dân bắt đầu được phê duyệt xây dựng trở lại, lượng tiêu thụ vật liệu đã được cải thiện đáng kể mặc dù giá giảm từ 50 - 100.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, vật liệu xây dựng đang ở mức giá thấp hơn các năm rất nhiều, tuy nhiên đây cũng có thể là một phương án thúc đẩy tiêu thụ trong nước. Thời điểm cuối năm luôn là lúc người dân tập trung xây dựng nhà ở nhiều nhất. Đồng thời, Chính phủ cũng đang đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng được chi ra trong năm 2020.

Trong đó, có 200.000 tỷ đồng sẽ chi cho các dự án hạ tầng lớn như: Cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất… Đây cũng là cơ hội cho ngành sắt thép và xi măng trong nước hồi phục và tăng tốc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. 

https://enternews.vn/

Designed by GO ON GROUP